Đang xử lý.....

Bồi dưỡng cốt cán Mô đun 4 lớp Toán THCS, THPT trước khi triển khai diện rộng của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên 

Phùng Thị Hồng Dung

Với mục đích nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán để hướng dẫn đồng nghiệp về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường sư phạm tham gia Chương trình ETEP. Đồng thời tăng cường kết nối giữa các trường sư phạm chủ chốt với các trường phổ thông trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, hình thành cộng đồng học tập dành cho giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà.

Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công phụ trách bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán của 8 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Để thực hiện bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán thực hiện mô đun 4 “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh tiểu học/THCS/THPT” đạt hiệu quả cao khi tổ chức bồi dưỡng trực tiếp 02 ngày qua lớp học ảo trên hệ thống LMS, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên được Ban Quản lý Chương trình ETEP Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho tổ chức 01 lớp bồi dưỡng cốt cán mô đun 4 môn Toán cấp THCS, THPT từ ngày 09-10/9/2021 theo hình thức trực tiếp qua lớp học ảo để rút kinh nghiệm tổ chức cho đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt trước khi triển khai trên diện rộng, đặc biệt là đối với học viên ở vùng khó khăn.

Buổi tập huấn có sự tham gia của các quý thầy/cô giáo, quý vị đại biểu: Đại diện Ngân hàng Thế giới có Bà Võ Kiều Dung, chuyên gia giáo dục cao cấp, chủ nhiệm chương trình; Bộ Giáo dục và Đào tạo: TS. Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP, TS. Đặng Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP và các tư vấn của chương trình; đại diện của Vụ Giáo dục Trung học, Cục Nhà giáo và CBQLCD; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên:  PGS.TS. Bùi Đức Nguyên, Phó hiệu trưởng, TS. Bùi Thị Hạnh Lâm và TS. Phan Thị Phương Thảo là 02 báo cáo viên của lớp Toán THCS, THPT, cùng toàn thể các giảng viên sư phạm chủ chốt, các cán bộ giám sát và cán bộ hỗ trợ kỹ thuật của Nhà trường; các đại biểu là các giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm và học viện quản lý giáo dục tham gia chương trình ETEP, các cán bộ giám sát của sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu và Sơn La và các cán bộ hỗ trợ kỹ thuật của công ty Vietel. Đặc biệt, tham dự lớp tập huấn này có sự tham gia của 41 học viên là các giáo viên cốt cán môn toán cấp THCS và THPT của tỉnh Lai Châu và Sơn La.

Phương thức bồi dưỡng cho GVPTCC được tổ chức theo mô hình 7-2-7. Trong đó: 07 ngày học viên được tự học trên hệ thống học tập trực tuyến LMS; tiếp theo là học trực tiếp 02 ngày, sau cùng là 07 ngày tự học, hoàn thành các bài tập trên hệ thống học tập trực tuyến LMS.

Tại phiên khai mạc, PGS.TS. Bùi Đức Nguyên, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã phát biểu chung về nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên của Nhà trường trong khuôn khổ chương trình ETEP, trong đó nhấn mạnh những hiệu quả tích cực đối với công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên của Nhà trường thông qua chương trình ETEP. Bên cạnh ý kiến đề cập về mục đích và nội dung của đợt tập huấn lần này, PGS.TS. Bùi Đức Nguyên cũng lưu ý về vai trò và nhiệm vụ của GVSPCC trong triển khai mô hình 7-2-7 thay thế cho mô hình 5-3-7 trước đây. Theo đó, trong 7 ngày tự học qua mạng, nhiệm vụ của GVSPCC là hỗ trợ GVPTCC hoàn thành hồ sơ cá nhân; hướng dẫn GVPTCC tự học qua mạng và giải đáp thắc mắc về chuyên môn (nếu có); rà soát việc hoàn thành khối lượng tự học của học viên trước khi bồi dưỡng trực tuyến; rà soát kết quả hoàn thành bài kiểm tra trắc nghiệm. Trong 02 ngày học trực tuyến qua lớp học ảo, GVSPCC sẽ hướng dẫn GVPTCC thảo luận, bài tập nhóm/cá nhân…; phát hiện các vấn đề, các vướng mắc GVPTCC hay gặp, tổ chức thảo luận; trao đổi với học viên trong khoá bồi dưỡng để cùng tìm ra phương án giải quyết tốt nhất, trao đổi, góp ý, thảo luận với GVPTCC trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ học tập trên hệ thống; đôn đốc GVPTCC hoàn thành bài tập quá trình và bài tập cuối mô đun; góp ý về chuyên môn, về xây dựng và hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp trên hệ thống LMS; nhắc nhở GVPTCC hoàn thành các khảo sát về mô đun bồi dưỡng. Trong 7 ngày tự học, hoàn thiện qua mạng, GVSPCC sẽ hỗ trợ chuyên môn, giải đáp thắc mắc, đôn đốc GVPTCC hoàn thành và nộp bài hoàn thành mô đun; chấm bài hoàn thành mô đun bồi dưỡng; kiểm tra rà soát danh sách GVPTCC hoàn thành mô đun bồi dưỡng; đôn đốc GVPTCC trả lời phiếu khảo sát về mô đun bồi dưỡng (nếu có); xác nhận GVPTCC hoàn thành mô đun bồi dưỡng; đôn đốc, nhắc nhở GVPTCC xin ý kiến phê duyệt của Thủ trưởng về Kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp và Kết quả hỗ trợ đồng nghiệp tải lên hệ thống LMS.

Tiếp theo chương trình, TS. Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý chương trình ETEP Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu về việc lựa chọn Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên là đơn vị tổ chức buổi tập huấn cho giáo viên viên cốt cấp THCS, THPT trước khi tiến hành bồi dưỡng trên diện rộng. Báo cáo tổng kết về công tác chuẩn bị cho bồi mô đun 4 đối với GVPTCC và CBQLCSGDPTCC.

Tiếp theo chương trình, Ban tổ chức thông báo tới toàn thể học viên và các đại biểu tham dự về kế hoạch của 02 ngày tập huấn, các quy định về công tác tổ chức lớp học và các yêu cầu đối với báo cáo viên, cũng như học viên sau khi hoàn thành lớp bồi dưỡng trực tiếp.

Sau phiên khai mạc, 41 học viên lớp Toán THCS, THPT của tỉnh Lai Châu, Sơn La, cùng gần 180 giảng viên sư phạm chủ chốt của 8 trường và các đại biểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, Lai Châu được nghe, quan sát TS. Bùi Thị Hạnh Lâm và TS. Phan Thị Phương Thảo triển khai các nội dung bồi dưỡng của mô đun 4.

Trong buổi sáng ngày 09/10/2021, TS. Bùi Thị Hạnh Lâm và TS. Phan Thị Phương Thảo giới thiệu tổng quan các nội dung của mô đun 4 cho các học viên: Khái quát được những vấn đề chung về xây dựng KHGD của nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh ở trường THCS/THPT; Xây dựng KHGD của tổ chuyên môn (gồm KHDH môn học và KH tổ chức các hoạt động giáo dục); Xây dựng được KHGD cá nhân; kế hoạch bài dạy môn Toán theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Phân tích, đánh giá được kế hoạch bài dạy môn Toán thông qua trường hợp thực tiễn; Xây dựng được kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục.

Tiếp theo, các học viên được trao đổi và báo cáo về sự am hiểu của mình đối với vấn đề “Xây dựng KHGD của nhà trường phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh” qua 7 ngày học trực tuyến bằng các hình thức khác nhau. Báo cáo viên bằng phương pháp thuyết trình và vấn đáp đã hướng dẫn học viên thực hiện các nội dung: 1/ Xây dựng KHGD của nhà trường phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh (Khái niệm, ý nghĩa, yêu cầu, quy trình, khung của kế hoạch giáo dục nhà trường); 2/ Xây dựng KHGD tổ chuyên môn theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh (Khái niệm, ý nghĩa, yêu cầu, quy trình, khung của kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn của cấp THCS, THPT).

Buổi chiều cùng ngày, học viên được báo cáo viên giới thiệu về kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn môn Toán ở trường THCS/THPT; được hướng dẫn, mô tả quy trình đã xây dựng, phân tích các nội dung trong kế hoạch; Xây dựng kế hoạch bài dạy môn Toán. Bằng hình thức thảo luận, lớp học được chia thành 03 nhóm: nhóm Toán THCS Lai Châu; nhóm Toán THCS Sơn La; nhóm Toán THCS, THPT Sơn La và Lai Châu. Các nhóm thảo luận sôi nổi và mỗi nhóm sẽ lựa chọn một kế hoạch bài dạy môn Toán trong nhóm đã nộp trên LMS trong 7 ngày học trực tuyến để trình bày, các nhóm hoàn thiện theo yêu cầu cần đạt của một kế hoạch bài dạy trong thời gian 30 phút tiếp theo của buổi học, tiếp tục hoàn thiện thêm sau buổi học.

Trong ngày tập huấn tiếp theo, Báo cáo viên và các học viên cùng thảo luận, trao đổi về thực hành xây dựng/điều chỉnh KHGD môn học của tổ chuyên môn; Thực hành xây dựng/hoàn thiện kế hoạch bài dạy môn Toán; cũng như hướng dẫn học viên xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp.

Bằng kinh nghiệm và kiến thức phong phú, sự am hiểu sâu về phổ thông, cùng với phong thái và phương pháp sư phạm tốt nên các nội dung bài dạy đã được các báo cáo viên chuẩn bị chu đáo, cẩn thận. TS. Bùi Thị Hạnh Lâm và TS. Phan Thị Phương Thảo đã chủ động sử dụng đa dạng các phương pháp và ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin để tổ chức bồi dưỡng cho học viên; các phần mềm hỗ trợ như Padlet, Google Docs, Kahoot hoặc Quizziz đã được sử dụng để tăng tính tương tác của học viên. Ngoài ra, các giáo viên cốt cán có tinh thần học hỏi, trách nhiệm và say sưa với môn học; có thái độ học tập nghiêm túc, hiệu quả và việc thảo luận đạt hiệu quả cao.

Sau 02 ngày tập huấn với cường độ làm việc cao và trách nhiệm, TS. Phan Thị Phương Thảo và TS. Bùi Thị Hạnh Lâm đã giúp cho các giáo viên cốt cán môn Toán cấp THCS, THPT của tỉnh Lai Châu và Sơn La lĩnh hội được các kiến thức bổ ích để giúp các thầy/cô thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đồng thời giúp cho thầy cô giáo có nhiều đam mê với môn học, với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Buổi tập huấn lần đầu được tổ chức trực tiếp thông qua lớp học ảo trên hệ thống LMS đã được Ngân hàng Thế giới, Ban Quản lý Chương trình ETEP Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu tham dự, học viên đánh giá rất cao và có sự lan tỏa lớn. Đồng thời, qua đợt tập huấn này Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên và các Trường tham gia Chương trình ETEP sẽ có phương án chuẩn bị tổ chức các đợt tập huấn bồi dưỡng mô đun 4 trực tiếp thông qua lớp học ảo trên hệ thống LMS của các cấp học/môn học đạt hiệu quả tốt nhất. Buổi tập huấn cũng giúp các giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia bồi dưỡng mô đun 4 của các Trường tham gia Chương trình ETEP học hỏi được nhiều kinh nghiệm về chuẩn bị nội dung, xây dựng kịch bản sư phạm cũng như cách thức tổ chức để có thể giúp cho các giáo viên cốt cán lĩnh hội được kiến thức đạt kết quả tốt nhất.    

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo - Tập huấn:

 

Phát biểu khai mạc của PGS.TS. Bùi Đức Nguyên, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

 

PGS.TS. Nguyễn Hữu Quân báo cáo về kế hoạch thực hiện và các quy định trong tổ chức bồi dưỡng

 

TS. Bùi Thị Hạnh Lâm trình bày về các nội dung sẽ trình hướng dẫn học viên

 

TS. Phan Thị Phương Thảo hướng dẫn học viên tìm hiểu về KHGD của Nhà trường

 

Giáo viên Đào Thị Xuân trình bày về kế hoạch tổ chuyên môn do nhóm xây dựng

              

           

Nhóm Toán THCS Lai Châu đang thảo luận nhóm

 

 

 

 

 

Buổi phỏng vấn của Ngân hàng Thế giới, Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự hài long sau khi lớp học kết thúc

Nguồn tin: Bộ phận truyền thông.

loading....