Ngày 4/12/2021, Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên đã tổ chức hội thảo quốc tế Đổi mới trong đào tạo giáo viên (International Conference on Teacher Education Renovation) lần thứ 4 với chủ đề năm 2021: “Đào tạo giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục cho vùng dân tộc thiểu số, vùng núi và vùng khó khăn” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo quốc tế Đổi mới trong đào tạo giáo viên (ICTER) được Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên tổ chức từ năm 2018, với các chủ đề liên quan tới vấn đề đổi mới giáo dục đại học ở các trường sư phạm, đổi mới giáo dục phổ thông, đã thu hút được sự quan tâm, chú ý và sự hợp tác của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Mai Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: “Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên, thành lập năm 1966, với 55 năm hình thành và phát triển, luôn gắn sứ mạng, mục đích tồn tại của Nhà trường với sự phát triển của giáo dục phổ thông ở Việt Nam, đặc biệt là giáo dục ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc, giáo dục cho các cộng đồng người dân tộc thiếu số và ở các vùng còn nhiều khó khăn”.
Hội thảo ICTER năm 2021 đã thu hút sự quan tâm của 120 tác giả, từ 26 cơ sở giáo dục, trường đại học trong nước và nước ngoài. Các bài viết tham gia Hội thảo là những kết quả nghiên cứu liên quan tới: Kinh nghiệm quốc tế và trong nước trong đào tạo giáo viên ở các khu vực vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng khó khăn; Các thách thức, khó khăn và giải pháp chiến lược cho việc đào tạo giáo viên cho các khu vực này; Phát triển năng lực giáo viên ở các khu vực khó khăn và việc vận dụng các mô hình ứng dụng công nghệ, dạy học trực tuyến ở các khu vực khó khăn.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi về hình thành năng lực lãnh đạo của người giáo viên như là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn nói riêng; chính sách hỗ trợ giáo dục cho các cộng đồng thiểu số và các khóa bồi dưỡng cho sinh viên sư phạm, giáo viên phổ thông về chiến lược dạy học ở các lớp đa dân tộc ở Úc; giải pháp nâng cao năng lực giáo viên ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; giáo dục trẻ mầm non ở các khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số; các giải pháp về công nghệ nhằm hỗ trợ việc dạy học ở các khu vực khó khăn.
Bế mạc Hội thảo, TS. Từ Quang Tân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh: “Hội thảo ICTER lần thứ 4 đã thành công tốt đẹp khi trở thành một diễn đàn để các nhà khoa học bàn về nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng dân tộc thiểu số, vùng núi và vùng khó khăn. Đào tạo giáo viên cho các vùng khó khăn này có những đặc thù, thách thức riêng, đòi hỏi những nghiên cứu kĩ lưỡng, các giải pháp phù hợp. Các trường đại học đào tạo giáo viên, đào tạo cán bộ quản lí giáo dục, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đổi mới chương trình, vận dụng các giải pháp công nghệ phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục ở các khu vực này”.
Báo cáo viên báo cáo tại Hội thảo
GS. Tony Richardson (Đại học Sunshine Coast, Úc): Strategies in Training Teachers and Educational Managers for Ethnic Minority, Mountainous and Disadvantaged Areas to Meet Education 4.0
GS. Shirley O’Neil (Đại học Nam Queensland): Pre-service Teacher Education and Strategies for Teaching for Diversity and Inclusion
PGS.TS Nguyễn Phúc Chỉnh (Trường Đại học Sư phạm- ĐHTN)
Training Teachers and Educational Managers for Ethnic Minority, Mountainous and Disadvantaged Areas: Experiences of Thai Nguyen University of Education
TS. Lê Chi Lan, Cổ Tồn Minh Đăng (Đại học Sài Gòn)
The Development of Lecturer Competency in Underprivileged Areas in order to Meet Education 4.0
TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Học viện Dân tộc)
Development Program for Improving Educational Capacity for Teachers and Managers at Boarding and Semi-boarding High Schools
TS. Nguyễn Ngọc Phương Anh, Phan Như Huỳnh (Đại học Cần Thơ)
Digital Transformation in Education with Text Mining Techniques, Dual-Use Electronic Lectures, and Technological Ecosystems: A Case Study
NCS. Lê Thị Thanh Huệ (Trường Đại học Sư phạm- ĐHTN)
Organizing educational activities approaching experiential activities for pre-school ethnic minority children in the North of Vietnam